Ford coi khu vực châu Á Thái Bình Dương và châu Phi là thị trường trọng điểm của hãng trong tương lai. Hãng kỳ vọng 60-70% tăng trưởng trong 10 năm tới sẽ đến từ khu vực này. Vào giữa thập kỷ tới, Ford sẽ giới thiệu 50 mẫu xe và hệ truyền động mới tại APA, trong đó tập trung mạnh vào Trung Quốc (15 mẫu xe), Ấn Độ (8 mẫu xe) và ASEAN (8 mẫu xe).
Trong chuyến thăm Việt Nam để tìm hiểu tình hình kinh doanh cũng như các vấn đề của doanh nghiệp, ông Joe Hinrichs, Phó chủ tịch tập đoàn, Chủ tịch Ford châu Á Thái Bình Dương và châu Phi (APA) đã có buổi gặp gỡ chia sẻ với báo chí về chiến lược Một Ford tại khu vực này.
Hãy cùng Autodaily theo dõi buổi trò chuyện của vị lãnh đạo cấp cao của Ford Motor để hiểu hơn về chiến lược Một Ford cũng như hướng đi của Ford tại những thị trường trọng điểm.
Phóng viên (PV): Mục đích chuyến đi tới Việt Nam lần này của ông là gì, thưa ông?
Ông Joe Hinrichs - Phó chủ tịch tập đoàn Ford, Chủ tịch Ford châu Á Thái Bình Dương và châu Phi
Ông Joe Hinrichs: Tôi đến Việt Nam, vì ở Ford, người đứng đầu khu vực có hoạt động thường kỳ gặp gỡ tất cả các thị trường mà mình đảm trách để hiểu tình hình kinh doanh cũng như các vấn đề của doanh nghiệp. Chúng tôi đã gặp gỡ toàn bộ đội ngũ nhân viên tại nhà máy Hải Dương, trò chuyện cùng họ và đi thăm các cơ sở hoạt động của nhà máy.
Năm ngoái, tôi đã thăm Philipine, Indonesia, còn Thái Lan thì tôi thường xuyên ghé thăm sau các cuộc họp định kỳ. Cứ một đến hai năm, chúng tôi lại ghé thăm tất cả các thị trường để theo dõi việc kinh doanh. Công việc của tôi là thường xuyên di chuyển, tuần trước tôi ở Mỹ, trước đây hai tuần tôi ở Nam Phi và cách đó 3 tuần tôi ở Ấn Độ.
PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh doanh của Ford tại Việt Nam so với Ford ở các quốc gia khác trong khu vực ASEAN? Thuận lợi và những khó khăn?
Ông Joe Hinrichs: Việt Nam là một phần quan trọng đối với chúng tôi trong việc phát triển kinh doanh tại khu vực ASEAN. Tuy nhiên năm nay, điều kỳ lạ thị trường Việt Nam đang gặp khó khăn với sự sụt giảm doanh số trên 40%.
Điều này là một nghịch lý, trái ngược hoàn toàn với mức tăng trưởng cao nhất thế giới của các nước khác trong khối ASEAN. Năm nay, Ford gặt hái sự thành công tại Indonesia và Thái Lan. Do đó, tôi khá ngạc nhiên trước tình trạng doanh số rơi tự do tại Việt Nam và hy vọng sẽ trở lại mạnh mẽ vào năm tới.
Theo ông Hinrichs, thị trường Việt Nam đang đi ngược với xu thế phát triển trong khu vực ASEAN
Hơn 15 năm trước, Ford đã đầu tư vào Việt Nam và chúng tôi hy vọng thị trường sẽ ổn định để Ford có thể tiếp tục chiến lược lâu dài của mình. Hiện Ford đang phấn khích trước việc mẫu Focus hoàn toàn mới sắp ra mắt tại thị trường Việt Nam và trong một vài năm tới, sẽ còn nhiều sản phẩm Một Ford thú vị khác nữa được giới thiệu.
PV: Với cương vị của mình, ông có thể đưa ra gợi ý nào với Việt Nam để thu hút hơn nữa sự đầu tư của các hãng ôtô? Liệu Ford có khoản đầu tư nào lớn hơn 100 triệu USD mà Hãng đã đầu tư vào thị trường này 15 năm trước hay không?
Ông Joe Hinrichs: Đây là một câu hỏi quan trọng. Hầu hết các nước trên thế giới đều có chính sách hỗ trợ phát triển ngành ôtô dựa trên một số yếu tố sau: Phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư và điều quan trọng hơn nữa là hỗ trợ người tiêu dùng để phát triển kinh doanh để thu hút đầu tư. Thái Lan là một ví dụ điển hình trong khu vực ASEAN. Họ có chính sách thống nhất và dài hạn cho cả ba yếu tố trên, vừa phát triển cơ sợ hạ tầng, vừa đưa chính sách khuyến khích đầu tư và vừa hỗ trợ người tiêu dùng. Điều đó giúp họ trở thành một trong những trung tâm xuất khẩu xe hơi trên thế giới.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư và hoạch định kinh doanh tại mỗi thị trường là sự thống nhất và có thể dự đoán trước tình hình. Đây là mối quan ngại lớn đối với các nhà đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Thông thường, bất kỳ tập đoàn nào khi đưa ra một chiến lược kinh doanh tại một nước, họ đều có kế hoạch 4-5 năm. Tuy nhiên, có một khó khăn tại Việt Nam là chúng tôi không thể biết trước chính sách năm sau sẽ thay đổi như thế nào để hoạch định chiến lược cho phù hợp.
Bên cạnh đó, việc liên tục thay đổi và tăng thuế cũng như chi phí sử dụng xe sẽ khiến các nhà đầu tư không thể hiểu được thị trường sẽ đi về đâu.
Tại Thái Lan, chúng tôi là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong ngành ôtô, và mặc dù chính phủ Thái Lan có thay đổi hay xảy ra biến động chính trị thì họ vẫn giữ nguyên chính sách ôtô dài hạn và chúng tôi biết chắc hướng đi của mình để tăng cường đầu tư tại đây. Trung Quốc là một ví dụ khác. Mười năm trước, Trung Quốc đã xác định, ôtô là một trong bốn ngành trụ cột trong việc phát triển kinh tế, và họ có chính sách thống nhất từ đó cho đến nay.
Cuối cùng, theo tôi, đây là một câu hỏi quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam có muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô hay không, muốn đưa nó đi về đâu? Tất cả các chính sách thuế, khuyến khích doanh nghiệp sẽ đi về đâu để tạo nên sự tự tin cho các nhà đầu tư.
PV: Liệu Ford có thể đuổi kịp các đối thủ như General Motors và Volkswagen tại thị trường Trung Quốc hay không? Và kế hoạch cụ thể của Ford là gì?
Ông Joe Hinrichs: Hai năm trước đây, Ford chỉ chiếm 2% thị phần tại Trung Quốc với 5 sản phẩm. Đến năm 2015, Ford sẽ đưa tới quốc gia đông dân nhất thế giới 15 sản phẩm. Bên cạnh đó, trong quý II/2014, thương hiệu Lincoln của Ford sẽ ra mắt thị trường này.
Trong những tháng vừa qua, chúng tôi đã nâng thị phần của Ford tại Trung Quốc lên 4% và chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu nhiều sản phẩm mới trong 3 năm tới. Với những sản phẩm này, chúng tôi hy vọng thị phần của Ford tại đây sẽ còn tăng hơn nữa trong tương lai. Chúng tôi đã mở một nhà máy mới năm nay và trong vòng 3 năm tới chúng tôi sẽ xây dựng thêm 3 nhà máy mới tại Trung Quốc. Điều này sẽ giúp chúng tôi tăng công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Khi so sánh với các hãng xe lớn khác tại Trung Quốc, thì điểm khác biệt lớn nhất là số lượng sản phẩm giới thiệu ra thị trường và Ford đã giải quyết được vấn đề đó trong ba năm tới. Trước đây, khi nói đến các sản phẩm của Ford tại Trung Quốc thì không nhiều người biết đến, tuy nhiên, với những mẫu xe mới, chúng tôi tự tin vào sự phát triển tại thị trường hấp dẫn nói trên, điển hình là sự thành công của mẫu Focus hoàn toàn mới với danh hiệu xe bán chạy nhất phân khúc trong hai tháng vừa qua.
PV: Theo ông, những thách thức trong việc toàn cầu hoá platform sản phẩm là gì?
Ông Joe Hinrichs: Điều quan trọng nhất khi phát triển một sản phẩm toàn cầu là đảm bảo tất cả những thị trường trọng điểm đánh giá cao nó, đảm bảo nó phù hợp với yêu cầu cốt yếu của người tiêu dùng tại thị trường đó.
Trong những năm gần đây, khi phát triển sản phẩm toàn cầu, chúng tôi nhận thấy nó dễ dàng hơn sản phẩm chuyên biệt bởi hầu hết người tiêu dùng trên khắp thế giới đều kỳ vọng vào sản phẩm hội tụ những tính năng như an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, công nghệ cao và thiết kế bắt mắt…
Đối với Ford, thách thức lớn nhất chính là làm thế nào để đi đến đích nhanh nhất, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét