Vẫn hồn nhiên vi phạm thậm chí sau hai vụ tai nạn chết người thế này thì đúng là phải bắc thang lên hỏi ông Trời về hiểu biết và ý thức của nhiều người
“Oan gia ngõ hẹp. Oan gia ngõ hẹp…”. Vừa chui gọn vào trong garage sau một ngày chen lấn giữa chốn kinh kỳ gió bụi, chiếc xe đã lẩm bẩm.
Tức thì, anh chủ lôi máy móc ra đo. Chiếc xe ngạc nhiên lắm, hỏi: “Bác sao thế?”
- Cậu sao thế thì có. Vừa về đến nhà đã lẩm bà lẩm bẩm như chập cheng.
- Nhưng bác đo đạc em làm gì?
- Tôi xem cậu nóng không, bị hâm không, có vẻ là triệu chứng sốt.
- Bác cạnh khóe em vừa thôi. Sốt siếc gì ở đây.
- Vậy sao cậu cứ “oan gia ngõ hẹp” mãi? Ai làm gì cậu đến nông nỗi ấy?
- Không phải em. Chẳng là chuyện của lão anh họ nhà 4 bánh chúng em. Lão ấy vừa bị dính một quả đúng kiểu giời ơi đất hỡi.
- Chuyện thế nào?
- Vâng. Bao ngày chịu cảnh tắc đường, ô nhiêm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi ở đường Phạm Hùng, nay đường trên cao tuyến vành đai 3 thông xe, lão ấy mừng lắm. Lão yên tâm ai cũng biết cái đường ấy chỉ dành cho cánh ôtô nhà em chạy, lại chạy với tốc độ cao trong khi không có đường ngang ngõ tắt, nên lão cứ đúng tốc độ mà phi. Ai dè, rầm, lão phang phải ngay một chiếc 2 bánh chạy ngược chiều.
- À, là chuyện ấy, tớ đọc trên báo rồi.
- Đấy bác thấy không! Tai bay vạ gió đến thế là cùng. Nhân tiện cho em hỏi, trường hợp này, lão anh họ nhà em có sao không, xét về luật ấy?
- Không, cậu ta đúng luật mà. Qua rồi cái thời cứ xe to là mang lỗi cậu ạ.
- Tốt, nhưng em vẫn băn khoăn lắm.
- Về điều gì?
- Rõ ràng lão ấy đúng luật nhé, và theo đó, người sai luật vừa phải tự gánh chịu hậu quả, vừa phải đền bù cho lão ấy. Đằng này nghiễm nhiên lão phải chịu thiệt.
- Đành vậy thôi, không lẽ người ta sang thế giới bên kia rồi vẫn gọi lại bắt đền. Nghĩa tử là nghĩa tận.
- Cái đó em hiểu. Cơ mà đến em dù không va vấp trực tiếp vẫn cảm thấy bất nhẫn lắm.
- Bất nhẫn thế nào?
- Cớ làm sao biển cấm xe máy, biển quy định tốc độ to tướng thế, chình ình trước mắt, chưa kể luật xưa nay cấm đi ngược chiều mà vẫn có khối xe máy lao lên như đúng rồi, lại còn phóng ngược nữa.
- Cái này tớ chịu. Cậu thử hỏi người ta xem.
- Lại còn mấy ông xe khách coi cái đường ấy như bến xe của mình, đón trả khách hồn nhiên. Thêm cánh xe ôm và cả người dân cũng leo lên đó bắt xe nữa. Không thể hình dung nổi bác ạ.
- Hình dung nổi thì đã giáo dục được, giao thông nhà ta đã không lộn xộn, ùn tắc triền miên, tai nạn thi nhau ập đến thế.
- Đấy, lẽ ra bác phải vác máy đi đo xem những người hồn nhiên phạm luật ấy đầu óc có bị làm sao không!
- Cậu bình tĩnh, ngoa ngoắt quá không nên.
- Nhưng em bất nhẫn lắm!
- Lại bất nhẫn…
- Như lão họ hàng nhà em, tự dưng thiệt hại bao nhiêu thứ. Nếu không va chạm thì cũng tổn thọ vì giật mình khi thấy người phía trước hì hục lao ngược về phía mình. Va chạm rồi thì phải tự chịu hỏng hóc, thiệt hại, vì như bác nói là chẳng lẽ gọi người ta quay về bắt đền. Chưa kể là vẫn thấy ăn năn, vì dù sao cũng một mạng người.
- Tớ hy vọng sự vụ ấy sẽ cảnh tỉnh nhiều người, giáo dục được nhiều người về ý thức tham gia giao thông, tuân thủ và tôn trọng luật pháp an toàn giao thông.
- Em chưa thấy hiệu quả theo ý ấy.
- Có chứ, hẳn nhiều người sẽ sợ, trần đời ai chẳng sợ chết hả cậu.
- Thì đó, cho đến hôm nay, báo chí vẫn đăng cả mớ ảnh lẫn clip về chuyện xe đón – trả khách trên đường cao tốc, vẫn xe máy leo lên, cả xe tự chế nữa, và ngược chiều cũng như cơm bữa. Lạ là em thấy mấy ngày nay các bác thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông chặn 24/24 ở những lối lên mà vẫn có tình trạng hồn nhiên vi phạm thì đến chịu.
- Chặn thì chặn, nhưng sức người có hạn, đâu chốt hết được tất cả các điểm.
- Em thấy kỳ quặc là, con người các bác vốn dĩ có trí tuệ, hiểu biết nhất trên thế giới này, tại sao thấy sai lè lè ra vậy mà vẫn cố tình vi phạm, bị bắt giữ thì lại xin xỏ, trình bày nọ kia. Thế gọi là “vô tri” hay coi thường tất cả, thậm chí ngay mạng sống của mình?
- Khó trả lời đấy cậu. Chắc phải bắc thang lên hỏi ông Trời thôi.
- Thất vọng với bác. Em nghỉ đây!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét